QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Thào A Su: Chàng trai người Mông vượt khó, vươn xa

Thứ năm - 02/01/2025 02:34
Giữa núi rừng Tây Bắc, nhiều người trẻ dân tộc Mông có những câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng. Họ rời bản làng, học đại học, tiếp cận tri thức mới rồi trở về quê hương. Với khát vọng thay đổi cuộc sống, họ nỗ lực vượt qua khó khăn. Thào A Su, người xây dựng sự nghiệp tại La Pán Tẩn, Mù Cang Chải. Anh là tấm gương sáng cho ý chí nghị lực và lòng quyết tâm.
Giấc mơ vươn xa núi rừng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, là con trai duy nhất trong nhà, anh Thào A Su, chàng trai sinh năm 1994, từng trốn khỏi bản để quyết tâm đi học đại học khi gia đình ngăn cản. Sau khi thi tốt nghiệp và đạt kết quả tốt, anh thuyết phục bố mẹ để được theo học tại Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, chuyên ngành Kỹ thuật điện. Quyết định này không hề dễ dàng khi bố mẹ lo lắng cho tương lai của anh và mong muốn anh ở quê để phụ giúp công việc gia đình. Nhưng với khát khao thay đổi, A Su đã bất chấp sự phản đối, trốn gia đình để nhập học.“Tôi mong muốn thay đổi tương lai của mình, nên quyết định một lần không nghe lời bố mẹ, quyết tâm đi học đại học”, anh chia sẻ.

Anh Thào A Su (1994) người xây dựng sự nghiệp tại quê hương Mù Cang Chải. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đối với nhiều thanh niên người Mông, việc học đại học không chỉ là cơ hội đổi đời mà còn là hành trình đầy thử thách. Phải rời xa gia đình, rời xa những ruộng bậc thang quen thuộc để bước vào môi trường mới, họ đối mặt với không ít rào cản như ngôn ngữ, văn hóa và tài chính. Sau 5 năm theo học đại học, Thào A Su không chọn ở lại thành phố mà quyết định quay về bản vừa khởi nghiệp vừa cưới vợ. Việc quay trở về bản không phải là lùi bước mà là cơ hội để biến tri thức thành hành động, góp phần phát triển quê hương. Anh lựa chọn khởi nghiệp với du lịch cộng đồng, mô hình homestay.

A Su thẳng thắn chia sẻ rằng, nếu ngày xưa không đi học đại học, có lẽ anh đã không đủ dũng cảm để bắt đầu hành trình này. Anh thừa nhận rằng việc xây dựng homestay không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả sự mạo hiểm. Xuất thân từ một gia đình nông dân không có điều kiện kinh tế dư dả, anh không thể trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ, mà phải tự mình gầy dựng mọi thứ từ hai bàn tay trắng.

Những khát vọng của “anh chủ nhỏ”
A Su Homestay là tất cả sự nỗ lực và cố gắng của vợ chồng anh. (Ảnh: Ngọc Phương)

Khi bắt đầu hành trình mở homestay, mong muốn đầu tiên của A Su là có thể tạo công việc ổn định, mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhưng khát vọng của anh không dừng lại ở đó. Anh mơ ước biến homestay nhỏ bé của mình thành một điểm đến lý tưởng, ngày càng thu hút du khách gần xa và trở thành biểu tượng của sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, chàng trai người Mông không muốn chỉ riêng bản thân nỗ lực, mà anh hy vọng cả bản làng sẽ cùng chung tay quảng bá vẻ đẹp của quê hương. Khi mọi người cùng đồng lòng giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa thì không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn lan tỏa niềm tự hào dân làng về miền đất bình yên. Để đạt được điều đó việc bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: bảo vệ môi trường, giữ gìn đường sá sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt với du khách là quan trọng nhất. A Su tin rằng, khi bản làng biết trân trọng và giữ gìn giá trị của mình, du khách sẽ biết đến và sẽ quay trở lại nhiều lần để khám phá, yêu thương mảnh đất này nhiều hơn nữa.

Từ năm 2018 đến nay, A Su Homestay đã hoạt động được khoảng 5 năm, tuy vậy, mục đích ưu tiên và hàng đầu của anh vẫn không khác gì nhiều so với ban đầu đó chính là hướng đến cộng đồng. Anh luôn mong muốn tất cả người dân trong bản làng sẽ chung tay vào phát triển du lịch, ngoài công việc chính là làm ruộng, những hộ dân xung quanh sẽ có thêm nguồn thu nhập từ việc kinh doanh các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Một hành trình đầy rẫy khó khăn
Hành trình của anh bắt đầu từ con số 0, với số vốn vay từ ngân hàng và sự giúp đỡ từ gia đình, vợ chồng anh Thào A Su và chị Lù Thị Tàng bắt đầu xây dựng một homestay, nơi không chỉ cung cấp nơi lưu trú cho du khách mà còn giới thiệu văn hóa ẩm thực và phong tục truyền thống của dân tộc Mông.
Hình ảnh “cơ ngơi” từ những ngày đầu tiên của anh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh bắt đầu lên ý tưởng, khởi công xây dựng homestay vào tháng 6/2018. Trong thời gian đó, vợ chồng anh chị quyết định để vợ anh xuống Hà Nội học một lớp dạy nấu ăn 6 tháng. Đến tháng 12/2019, cơ sở hoàn thiện, anh may mắn được biết đến ông Dương Minh Bình (Giám đốc Công ty Phát triển Du lịch cộng đồng Việt Nam) qua một người bạn cùng xã cũng đang làm du lịch cộng đồng. Với ý chí quyết tâm, anh đã xin đi theo ông Bình tìm hiểu, học hỏi các cơ sở đã làm mô hình homestay ở trong vùng và các nơi khác như Mai Châu, Hòa Bình, Lai Châu. Dưới sự hướng dẫn của ông, A Su dần tìm ra hướng đi tốt nhất và nghiêm túc hơn với hành trình khởi nghiệp của mình.

Với vô vàn khó khăn, A Su đã phải đối diện với những quyết định táo bạo. Anh tâm sự: “Đã đi đến bước này rồi, thì chỉ có thể liều tiếp. Nếu không liều, thì lại càng khó khăn hơn”. Cũng có lúc anh nghĩ rằng nếu mọi thứ không suôn sẻ, không có cách nào trả nợ ngân hàng, thì đành phải bán nhà, bán đất để trả nợ và quay lại làm ruộng. Chính tinh thần “liều” và đầy quyết tâm ấy đã giúp A Su tiếp tục kiên trì vượt qua mọi thử thách. Với anh, đây không chỉ là một canh bạc, mà là sự đánh đổi cho ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Đối mặt với vô vàn những rào cản, đặc biệt là về vốn kiến thức, vốn kinh tế và cả những biến cố bất ngờ như đại dịch COVID-19. Khi A Su Homestay vừa mở cửa đón khách vào tháng 9 năm 2019, chưa kịp mừng vì những bước đầu khởi sắc thì đại dịch ập đến. Nhà cửa còn chưa hoàn thiện, khách thì không có, mọi hy vọng dường như bị dập tắt. Thời điểm đó, A Su phải gồng gánh với áp lực tài chính khổng lồ. Những khoản vay, số tiền dành dụm từ việc bán lợn, gà, thóc lúa đều dồn hết vào homestay, nhưng đổi lại chỉ là sự trống vắng và nỗi lo chất chồng.

Gia đình cũng khuyên rằng: “Thôi, mày ơi, đừng có làm nữa, làm nữa là chết đấy”. Phải từng thừa nhận đã có lúc nản chí, nhất là khi dịch bệnh kéo dài không hồi kết, khiến việc kinh doanh gần như đóng băng. Nhưng trong hoàn cảnh tưởng như không còn lối thoát, A Sủ đã tự nhủ: “Nếu mình không làm vì khách, thì hãy làm vì chính mình. Biến ngôi nhà này thành nơi ở sạch sẽ, gọn gàng, để dù không có khách, mình vẫn cảm thấy thoải mái. Và nếu may mắn, khi dịch bệnh qua đi, mình sẽ có cơ hội đón khách trở lại.”

Chàng trai người Mông chăm chỉ, thật thà, chất phác và can đảm. (Ảnh: Chế Ngọc)

Với tinh thần ấy, A Su tiếp tục từng bước sửa sang, trang bị thêm nội thất, chấp nhận quay lại ruộng nương để duy trì cuộc sống, vừa làm vừa chờ đợi. Những tháng ngày gian nan đó đã hun đúc trong anh một niềm tin mãnh liệt: “Khó khăn lớn nhất này mà mình vượt qua được, thì chẳng có thử thách nào về sau có thể làm mình chùn bước.”

Cuối cùng, sự kiên trì ấy đã được đền đáp. Khi dịch bệnh qua đi, Homestay của A Su dần đón những vị khách đầu tiên trở lại, mở ra hy vọng và một tương lai tươi sáng hơn. Chàng trai người Mông “đa năng” đảm nhận đủ mọi vai trò từ ông chủ, nhân viên, đầu bếp, đến thợ điện, thợ nước, tất cả đều phải tự tay làm, tự mình học hỏi để có thể sẵn sàng sửa chữa và ứng phó trong mọi tình huống.

Anh luôn tự nhắc bản thân phải liên tục trau dồi, cập nhật xu hướng mới và thay đổi cách làm việc, từ tư duy cho đến hành động. Bởi anh hiểu rằng trong ngành dịch vụ sự chỉn chu và đổi mới là hai điều song hành không thể thiếu.Những gì được xem là “mốt” hay “hot"”hôm nay, có thể sẽ trở nên lỗi thời chỉ sau vài năm nếu không nhạy bén, thích nghi kịp thời.

Sự thành công của A Su Homestay
A Su khiêm tốn chia sẻ rằng: “thực sự vẫn chưa dám nhận đã khởi nghiệp thành công, chỉ là may mắn khi bản thân dám liều, nhận được sự ủng hộ động viên từ gia đình, bạn bè”.

Ban đầu khi chưa có nhiều kinh nghiệm về quảng bá và marketing, nhưng anh nhanh chóng nhận ra rằng để khách dễ dàng tìm thấy homestay của mình, anh cần phải có một chiến lược rõ ràng. Anh bắt đầu bằng cách đăng ký vị trí của homestay trên Google Maps, giúp khách dễ dàng xác định địa chỉ và tìm đường đến. Sau đó, anh tiếp tục mở rộng quảng bá thông qua việc tạo fanpage trên Facebook, đồng thời đăng ký và bán phòng trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến lớn. Tới nay anh nhận khách qua các nền tảng quảng cáo đó.
A Su Homestay đón những lượt khách cả trong và ngoài nước. (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Anh chia sẻ rằng mục tiêu dài hạn không chỉ phục vụ khách lẻ mà còn hợp tác với các công ty lữ hành, đặc biệt là những công ty tổ chức tour du lịch cho khách nước ngoài từ Châu Âu và Mỹ. Đối với anh, các công ty này sẽ mang lại lượng khách ổn định quanh năm, giúp A Su Homestay duy trì hoạt động trong suốt cả năm, thay vì chỉ dựa vào mùa du lịch cao điểm.
 
A Su cho biết rằng du lịch tại Mù Cang Chải chủ yếu phát triển mạnh vào mùa lúa chín (tháng 9 và tháng 10), khi đó mới có đông khách. Các tháng còn lại trong năm, lượng khách du lịch hầu như rất ít. Chính vì vậy, anh tập trung vào việc cải thiện dịch vụ, nhằm thu hút khách từ các công ty lữ hành, điều này sẽ giúp homestay có thể duy trì hoạt động và phục vụ khách quanh năm. Nhờ sự hiện diện trên các nền tảng bán hàng đó, anh đã có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn, thu hút hơn và mở rộng tiếp cận tới nhiều thị trường.
 
Nhận thức được việc học hỏi không bao giờ là đủ, may mắn thay thỉnh thoảng Sở Văn hóa tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quản lý homestay, kỹ năng nấu ăn, và cách phục vụ khách hàng một cách chỉn chu nhất. Những cơ hội này trở thành nền tảng quan trọng để anh nâng cao kiến thức và cải thiện chất lượng dịch vụ tại homestay của mình. Mỗi lần tham gia các lớp học, anh không chỉ tiếp thu thêm kỹ năng mới, mà còn được mở rộng tầm nhìn, học hỏi kinh nghiệm từ những người cùng ngành. “Chỉ cần cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày, thì mọi thứ sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn”: A Su nói với nụ cười đầy hy vọng.
 
Anh được trao tặng bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Yên Bái nhờ thành tích xuất sắc tiêu biểu trong địa bàn tỉnh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
 
Sau anh, có thêm vài hộ gia đình cũng quyết định làm mô hình homestay này. Bản thân anh cũng rất vui mừng vì xã La Pán Tẩn ngày một phát triển, thu hút đông khách du lịch hơn, để góp phần quảng bá du lịch quê hương, nâng cao đời sống bà con địa phương. Anh chia sẻ: “Bản thân anh muốn làm điều gì đó có ý nghĩa, không chỉ lo cho bản thân. Anh còn muốn hỗ trợ những người đồng bào của mình, thay đổi tư duy của họ”.
 
Kỷ niệm đáng nhớ nhất từ khi mở homestay
Câu chuyện khiến A Su nhớ nhất đó là lần đầu tiên đón khách. Khi ấy, A Su Homestay vẫn còn dang dở, chưa hoàn thiện. Thế nhưng, có một nhóm khách từ Hà Nội về thăm Mù Cang Chải du lịch mùa lúa chín vào tháng 9, họ tìm phòng để nghỉ và liên lạc với A Su Homestay. Nhưng anh đã từ chối vì chưa hoàn thiện và gợi ý nhóm khách đó có thể tìm một số địa điểm khác để ở và hứa sau khi hoàn thiện sẽ mời họ đến trải nghiệm vào một dịp khác. Tuy nhiên, nhóm khách bày tỏ rằng: “Anh chị không cần gì cầu kỳ, chỉ cần một chỗ nghỉ tạm thôi, em cứ dọn dẹp sơ qua là được. Nếu cần, trải chiếu dưới đất cũng ổn mà!” Cảm động trước sự chân thành và giản dị của họ, A Su quyết định nhận lời. Anh sửa soạn lại nhà cửa, lắp thêm điện nước và chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể.
 
Khi đoàn khách đến, A Su kể rằng họ rất bất ngờ bởi kiến trúc nơi đây, còn tưởng rằng homestay là do anh trường đoàn xây mời mọi người lên chứ không phải là một kiến trúc được thiết kế và xây dựng bởi một chàng trai người Mông sinh ra tại thiên đường ruộng bậc thang - Mù Cang Chải. Và anh cũng bất ngờ khi biết họ đều là những kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm. Dù đã đi nhiều nơi, họ chia sẻ rằng chính ngôi nhà mộc mạc và không khí chân thành ở homestay của A Su khiến họ cảm thấy thoải mái và yêu thích nhất. Từ đó, nhóm khách này trở thành những vị khách thân thiết, năm nào cũng quay lại ít nhất một lần. Thậm chí, có những lần không còn phòng trống, họ sẵn sàng ở lại dưới thị trấn thêm một đêm, chỉ để chờ dịp được trở lại nhà A Su.

Nơi A Su đón các đoàn khách với view nhìn xuống Thị trấn Mù Cang Chải. (Ảnh: Ngọc Phương)
 
Những lời khen ngợi chân thành và sự ủng hộ từ những vị khách đặc biệt này đã trở thành động lực lớn lao, giúp A Su thêm tin tưởng vào con đường mình đang đi. Anh càng yêu công việc làm du lịch và quyết tâm tiếp tục hành trình mang bản làng của mình đến gần hơn với trái tim của du khách.

Những khao khát trong tương lai
Chàng trai người Mông thật thà thừa nhận rằng anh chưa nghĩ quá xa về tương lai, nhưng trong tầm nhìn khoảng 10 năm tới, anh luôn ấp ủ những kế hoạch lớn lao. Anh hy vọng rằng homestay của mình sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng thêm nhiều hạng phòng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển cơ sở của riêng mình, A Su còn mong muốn truyền cảm hứng đến cộng đồng trong bản làng. Anh hy vọng mọi người sẽ có tư duy về du lịch mạnh mẽ hơn, để ít nhất có thêm 3-4 hộ gia đình cùng tham gia làm du lịch. Khi cùng nhau quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của quê hương, bản làng sẽ ngày càng được biết đến rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế.

Xa hơn nữa, A Su mơ về một quần thể du lịch cộng đồng tại huyện Mù Cang Chải, nơi mà tất cả mọi người cùng chung tay xây dựng một môi trường du lịch thân thiện, an toàn và hấp dẫn. Với anh, đây không chỉ là hành trình phát triển kinh tế, mà còn là cách để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa, nét đẹp đặc trưng của bản sắc dân tộc vùng miền của quê hương đến với du khách bốn phương.



 

Tác giả: Chế Ngọc - Ngọc Phương - Hương Ly - Hồng Phương

Học tập Bác
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lý luận
Video
Liên kết Website
Leadership Conference Vietnam
Cổng dịch vụ công quốc gia
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
App Thiện Nguyện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây